Đặc sản Hồ Ea Súp Thượng Tây Nguyên đại ngàn
Mục lục
Tổng quan về huyện EA SÚP tỉnh Đắk Lắk
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Ea Súp nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km theo tỉnh lộ 1, có tọa độ địa lý: từ 1305′ – 13025′ vĩ độ bắc và từ 1070 01′ – 108003′ kinh độ đông. Huyện có địa giới hành chính: phía Đông giáp hai huyện Ea H’Leo, Cư M’gar, phía Tây giáp nước Cam Pu Chia, phía Nam giáp huyện Buôn Đôn, phía Bắc giáp huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
2. Địa hình
Địa hình khu vực tương đối bằng phẳng tạo nên vùng bán bình nguyên rộng lớn nằm kẹp giữa hai cao nguyên: Buôn Ma Thuột ở phía Đông, Đắk Nông – Đắk Min ở phía Nam.
Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 170-180m và nghiêng dần từ Đông sang Tây. Độ dốc trung bình từ 0-80.
Địa hình trên địa bàn có các dạng chính sau:
Bắc bán bình nguyên Ea Súp: địa hình bằng phẳng thoải dần về phía Tây bắc, tạo nên bán bình nguyên rộng, là toàn bộ lưu vực suối Ea Súp và sông Ea H’Leo.
Nam bán bình nguyên Ea Súp: vùng giáp Buôn Đôn địa hình bằng thoải, có núi xen kẽ tạo nên những bán bình nguyên hẹp, địa hình thấp dần theo hướng tây nam.
3. Thổ nhưỡng
Nhìn chung, đất đai trên địa bàn được hình thành trên đá phiến sét, đá cát kết, phù sa cổ và phù sa mới hình thành. Thành phần cơ giới cát pha thịt nhẹ đến trung bình, độ phì đất thấp nên thường bị nén chặt khi khô hạn và lầy thụt khi ngập nước, khả năng ngậm nước và giữ nước kém. Bên cạnh đó tình trạng kết vón đá ong đáy và đá lộ đầu xuất hiện khá nhiều.
Trên địa bàn có 4 nhóm đất ứng với 6 loại đất như sau:
Nhóm đất đỏ vàng:
Đất đỏ vàng trên đá granit (fa): diện tích 1.755 ha, chiếm 4,42 % tổng diện tích nhóm đất và 0,99% tổng diện tích đất tự nhiên.
Đất vàng nhạt trên đá cát (fq): diện tích 22.247 ha, chiếm 56,07% diện tích nhóm đất đỏ vàng và 12,71% tổng diện tích đất tự nhiên.
Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (fs): đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá phiến sét. Diện tích 15.675 ha, chiếm 39,51% diện tích nhóm đất và 8,88% tổng diện tích đất tự nhiên.
Nhóm đất phù sa: Đất phù sa ngoài suối (py): diện tích 8.328 ha, chiếm 4,76% tổng diện tích đất tự nhiên.
Nhóm đất xám bạc màu:
Đất xám trên đá cát và granit (xa): đây là loại đất có diện tích lớn nhất 98.323 ha, chiếm 84,59% tổng diện tích nhóm đất, 53,19% tổng diện tích tự nhiên.
Đất xám trên phù sa cổ (x): diện tích 17.913 ha chiếm 15,41% trong nhóm đất và 10,24% tổng diện tích tự nhiên.
Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (E): diện tích 5.687 ha, chiếm 3,25% tổng diện tích tự nhiên.
4. Khí hậu
Huyện Ea Súp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tiểu vùng khí hậu cá biệt, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu nhiệt đới lục địa cao nguyên, nhiệt độ cao, nắng nóng. Tổng tích ôn vào loại nhất tây nguyên, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Lượng mưa trung bình:
Tổng lượng mưa trung bình 1.420 mm/năm. Đây là vùng có lượng mưa trên năm nhỏ so với các vùng khác trong tỉnh.
Mưa nhiều nhất từ tháng 8 đến tháng 10, lượng mưa tập trung đến 93,5% lượng mưa cả năm.
Lượng mưa mùa khô không đáng kể và thường bị khô hạn vào cuối mùa, tháng 1; 2 và 3 hầu như không có mưa.
Độ ẩm: Độ ẩm trung bình năm là 78,7%, độ ẩm trung bình cao nhất là 91,5%, độ ẩm trung bình thấp nhất là 46,4%.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm là 240C, nhiệt độ trung bình cao nhất 33,30C, nhiệt độ trung bình thấp nhất 18,20C.
5. Thủy văn, sông suối
Nằm trên khu vực hạ lưu của hệ thống sông Sêrêpốk, Ea Súp có mạng lưới sông suối với mật độ dày, khoảng 0,4-0,6 km/ km2, nhưng hầu hết chỉ có nước vào mùa mưa.
Các sông suối trong vùng hầu hết được bắt nguồn từ phía Đông – Đông bắc, một số suối nhỏ từ Tây nam đổ vào hệ thống sông Sêrêpốk trên đất Cam Pu Chia (gồm sông Ea H’leo, suối Ea Súp, Ea Đrăng, Ea Mơ, Ya Lốp, Ea Khal…). Đây là nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản suất nông nghiệp, nước sinh hoạt, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản.
Sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa lũ và mùa cạn khá lớn do lượng mưa phân bố không đều trong năm, gây nên tình trạng thiếu nước vào mùa khô nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của huyện.
6. Tài nguyên thiên nhiên
Huyện Ea Súp còn là nơi có nguồn tài nguyên rừng tự nhiên khá phong phú, tổng diện tích đất rừng trên địa bàn là 124.664,93 ha, độ che phủ rừng đạt 73%. Trong đó, rừng tự nhiên sản xuất 103.843,76 ha, rừng tự nhiên phòng hộ 6.359,11 ha, rừng tự nhiên đặc dụng 14.462,06 ha.
Tài nguyên thực vật: Tổng trữ lượng gỗ ước tính trên 9 triệu m3, trên địa bàn có hai dạng rừng chính là:
Rừng nhiệt đới bán thường xanh: là loại rừng có diện tích nhỏ, phân bố chủ yếu ở ven sông Ea H’leo với các loài ưu thế như: bằng lăng, căm xe, dầu rái… một số loài quí hiếm thuộc gỗ nhóm I như cẩm lai, hương, cà te.
Rừng khộp chiếm phần lớn: đây là kiểu rừng thưa, cây lá rộng thường có một tầng duy nhất, cây ít cành và ít lá, tầng mặt cỏ vẫn phát triển được.
Tài nguyên động vật: Địa bàn huyện Ea Súp hiện nay có thể được coi như thủ phủ của đàn voi rừng. Theo phán đoán của các ngành chức năng, hiện đàn voi khu vực này còn trên 30 con, chia ra nhiều nhóm nhỏ, lẻ 3-5 con. Chúng tập trung chủ yếu tại vùng rừng núi các xã Ia Lốp, Ia Lơi, Ia Rvê sát biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Trước năm 1975 huyện thuộc quận Buôn Hồ, sau năm 1975 mang tên huyện Krông Búk.
Ngày 30-8-1977 huyện Krông Búk tách ra thành hai huyện Ea Súp và Krông Búk. Huyện Ea Súp khi đó gồm có 8 xã: Cư Suê, Cuôr Đăng, Ea H’đinh, Ea Pốk, Ea Súp, Ea Tul, Krông Na, Quảng Phú.
Ngày 3-4-1980, thành lập hai xã mới lấy tên là xã Ea Tar và xã Cư M’gar.
Ngày 17-1-1984, chia xã Ea Súp thành 3 xã lấy tên là xã Ea Lê, Ea Bung, xã Ea Súp. Từ đó, huyện Ea Súp có 12 xã: Cư M’gar, Cư Suê, Cuôr Đăng, Ea Bung, Ea H’đinh, Ea Lê, Ea Pốk, Ea Súp, Ea Tar, Ea Tul, Krông Na, Quảng Phú.
Ngày 23-1-1984, theo Nghị định số 15-HĐBT (nay là Chính phủ) chia huyện Ea Súp thành 2 huyện: Ea Súp và Cư M’gar. Huyện Ea Súp còn lại 4 xã: Ea Bung, Ea Lê, Ea Súp, Krông Na.
Năm 1990, chia xã Ea Lê thành 2 xã lấy tên là xã Ea Lê và xã Ea Rốk.
Năm 1993, thành lập 2 xã Ea Huar và Ea Wer trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Krông Na.
Ngày 21-1-1995, chuyển 3 xã Cuôr Knia, Ea Nuôl, Ea Bar của thành phố Buôn Ma Thuột về huyện Ea Súp quản lý. Từ đó, huyện Ea Súp có 10 xã: Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Bung, Ea Huar, Ea Lê, Ea Nuôl, Ea Rốk, Ea Súp, Ea Wer, Krông Na.
Ngày 7-10-1995, chia xã Ea Bung thuộc huyện Ea Súp thành 2 xã: Ea Bung và Ya Tờ Mốt; cùng thời điểm này, tách 6 xã: Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Huar, Ea Nuôl, Ea Wer, Krông Na để thành lập huyện Buôn Đôn. Huyện Ea Súp còn lại 5 xã: Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốk, Ea Súp, Ya Tờ Mốt.
Ngày 24-8-1998, thành lập xã Cư Kbang trên cơ sở 8.060 ha diện tích tự nhiên và 2.435 nhân khẩu của xã Ea Lê; chia xã Ea Súp thành thị trấn Ea Súp và xã Cư Mlan; thành lập xã Ia Lốp trên cơ sở 46.573 ha diện tích tự nhiên và 2.256 nhân khẩu của xã Ea Rốk.
Ngày 16-5-2006, thành lập xã Ia Jlơi trên cơ sở 27.320 ha diện tích tự nhiên và 5.789 nhân khẩu của xã Ia Lốp; thành lập xã Ia Rvê trên cơ sở 11.316 ha diện tích tự nhiên và 1.082 nhân khẩu của xã Ea Bung, 11.398 ha diện tích tự nhiên và 2.201 nhân khẩu của xã Ya Tờ Mốt.
Đặc điểm xã hội
Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất là con người Ea Súp gắn liền với lịch sử hình thành của Đắk Lắk , Tây Nguyên và dân tộc Viên Nam. Ea Súp là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Gia Rai. Trước khi thực dân pháp đặt ách cai trị lên Tây Nguyên, đồng bào đang ở vào giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy, chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Tuy chưa có sự phân hóa giai cấp, nhưng trong buôn làng đã có sự phân hóa giàu nghèo, thể hiện qua việc sở hữu nhiều chiêng ché quý, nhiều trâu bò..
Thời kỳ chống Mỹ, làng buôn có sự xáo trộn, biến động do chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược của Mỹ -ngụy, nhưng với truyền thống yêu quê hương, đất nước, đồng bào Ea Súp đã không ngừng đấu tranh chống lại âm mưu dồn dân của địch, bảo vệ buôn làng.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chính sách định canh định cư của đảng và nhà nước, đồng bào các dân tộc Gia Rai ở Ea Súp đã chấp dứt hình thức du canh du cư, hạn chế đốt rừng làm rẫy. Phần lớn đồng bào đã biết áp dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, đã trồng điều , bắp lai, cây công nghiệp ngắn ngày với năng suất cao, đặc biệt là biết trồng lúa nước 02 vụ/ năm…đời sống của đồng bào được thay đổi cả vật chất lẫn tinh thần.
Xưa kia đồng bào Gia Rai sinh sống quần cư theo từng bộ lac, các buôn tuy cách nhau một khoảng không gian nhất định, nhưng tạo thành một mảng cư trú liên tục trên một vùng địa lý kéo dài. Là cư dân bản địa lâu đời sinh sống trong môi trường đất đai phì nhiêu, nhiều sản vật, đời sống đời sống của dồng bào khá ổn địnhtrong hình thái tự túc, tự cấp. Nghề chính của đồng bào là làm nương rẫy. Rừng chính là nguồn cung cấp đất cho cộng đồng, chủ yếu là rẫy, được canh tác theo phương theo phương thức du canh hay luân canh, theo lối đốt phá , chọc, tỉa cổ truyền, kỹ thuật canh tác của dồng bào còn thô sơ, dựa vào thiên nhiên, phát rừng làm rẫy vài ba vụ rồi bỏ hoang đi phát chỗ mới 4-5 năm mới trở về làm rẫy cũ, đồng chủ yếu trồng ngũ cốc 1 năm 1 vụ, năng suất thấp.
Chăn nuôi là kinh tế truyền thống, chăn nuôi gia súc với hình thức chăn dắt hoặc thả rông được duy trì trong các gia đình, trâu , bò, được coi là tài sản có giá trị của mỗi gia đình, chăn nuôi mang tính tự cấp, sử dụng vào việc lễ hội , cúng tế thần linh. Săn bắn, hái lượm, một hình thức kinh tế còng phổ biến, tuy chỉ giữ vị trí thứ yếu, nhưng vẫn vai trò nhất định trong đời sống sinh hoạt của người dân . Săn bắn được tiến hành theo mùa với nhiều phương thức khác nhau để bổ sung nguồn thực phẩm trong gia đình. Các nghề thủ công truyền thống như mộc, đan lát, dệt vải.. vẫn được duy trì trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những sản phẩm dệt thổ cẩm với những đường nét hoa văn trang trí độc đáo mang đạm nét văn hóa riêng của dân tộc Gia Rai.
Cũng như nơi khác ở Tây Nguyên, bên cạnh cư dân bản địa lâu đời là Gia Rai, huyện Ea Súp hiện nay có 29 dân tộc anh em khắp mọi miền của đất nước về sinh sống lập nghiệp như dân tộc Kinh, Tày ,Nùng, Thái Mường, H’ mông… theo dòng phát triển của lịch sử đã hình thành nên mối quan hệ khăng khít, giao lưu ảnh hưởng sâu sắc và thắm đượm đoàn kết giữa các dân tộc.
3. Truyền thống văn hóa
Ea Súp có nền văn hóa lâu đời độc đáo, mang đạm bản sắc văn hóa trên Cao nguyên. Với những sắc thái riêng biệt của từng dân tộc, trong quá trình phát triển giao lưu, văn hóa các dân tộc ở Ea Súp được hòa nhập với văn hóa các dân tộc tạo nên sự phong phú và đa dạng của văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Văn hóa các dân tộc ở Ea Súp thể hiện rõ nét qua văn hóa xã hội, văn hóa vật chất. Đặc trưng của văn hóa xã hội là tổ chức làng mạc, cộng đồng cư dân sống quần tụ, khép kín. Trong từng buôn, làng, quan hệ xã hội với hình thức tự quản tồn tại những luật tục, hàng trăm điều và tuân thủ sự điều khiển của Già làng.
Văn hóa vật chất thể hiện qua kiến trúc nhà sàn truyền thống, kiến trúc và điêu khắc là nét văn hóa tiêu biểu của người Gia Rai, với nghệ thuật tạo hình độc đáo, đã thể hiện những đường nét khắc họa bên trong hoặc cầu thang của ngôi nhà. Nghệ thuật điêu khắc còn thể hiện qua hình tượng nhà mồ, chim, thú, cọc đâm trâu.. thể hiện quan niệm tâm linh của người Gia Rai đối với các vị thần linh. Văn hóa của các dân tộc còn thể hiện qua sản phẩm dệt thổ cẩm, như những bộ trang phục, váy, áo, tấm choàng truyền thống. Trang phục của người đàn bà Gia Rai là váy áo thổ cẩm, đàn ông đóng khố và khoác tấm áo choàng trong những ngày lễ hội.
Đời sống tinh thần của đồng bào Gia Rai rất phong phú đa dạng. Đồng bào thờ phụng nhiều thần linh “Yàng” gần gũi xung quanh mình như là: Yang Chư, Yang pui, Yang Ea. Đồng bào quan niệm mọi vật đều có linh hồn, đều có sức sống. Văn hóa nghệ thuật dân gian với các loại hình truyện cổ, kể khan, trường ca, ca dao, tục ngữ, âm nhạc, cồng chiêng, hát múa dân gian, đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của đồng bào. Lễ hội tế lễ gắn liền quan niệm của người dân về cuộc sống, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cuộc sống bình yên, ấm no.
Trong công cuộc đổi mới, với sự phát triển của xã hội, đời sống văn hóa của đồng bào các buôn làng Ea Súp từng bước phát triển. Nhiều những phong tục tập quán lạc hậu được xóa bỏ. Đồng bào tích cực tham gia vào hoạt động văn hóa, xã hội theo đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện vận động xây dựng Buôn làng văn hóa, tạo nên một cộng đồng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa lưu giữ văn hóa truyền thống, vừa từng bước giao lưu hòa nhập và phát triển văn hóa hiện đại.
Địa điểm du lịch Easup Tây Nguyên
1. Tháp Chăm Yang Prong –
Di tích Tháp Chăm độc đáo và duy nhất ở Tây Nguyên
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 38 di tích đã được xếp hạng, trong đó tháp Yang Prong là di tích đầu tiên và duy nhất được xếp hạng là di tích kiến trúc quốc gia.
Tháp Chăm Yang Prong thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km về phía Tây, còn có tên khác là tháp Chàm Rừng Xanh. Đây là một trong những tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại), cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc.
Tọa lạc tại thôn 5, xã Ea Rôk, huyện Ea Súp, tháp Yang Prong được xem là tháp Chăm duy nhất tại Tây Nguyên, là minh chứng cho sự hiện diện của người Chăm trên mảnh đất cao nguyên này. Tháp có nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên Yang Prong (nghĩa là “thần lớn”, dựa theo truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian của người Êđê, Gia Rai, M’nông) là tên gọi được sử dụng thông dụng nhất bởi đồng bào dân tộc tại chỗ, dân địa phương nơi đây và được sử dụng chính thức cho đến nay.
Trên cơ sở các nghiên cứu về văn khắc, lịch sử, kiến trúc, các công trình nghiên cứu về bi ký, của các nhà khoa học đã nhận định chủ nhân của tháp Yang Prong là người Chăm được cho là di cư lên Tây Nguyên.Tương truyền, tháp là ngôi mộ của người đứng đầu làng Chăm xưa kia. Tháp được xây dựng dưới thời vua Chăm Jaya Shinhavarman III (tức Chế Mân) vào cuối thế kỷ XIII nhằm củng cố sức mạnh trị vì của mình, đồng thời cầu mong cho người Chăm sinh sôi, nảy nở ở vùng Cao nguyên này. Tháp Yang Prong được xây dựng ở độ cao trên 200m, chế ngự một vùng phong cảnh thiên nhiên rộng rãi, bằng phẳng, nằm trong khu rừng thưa, với quần thể thực vật thường xanh quanh năm bên cạnh sông Ea Hleo. Tháp là một khối kiến trúc xây bằng gạch nung đỏ, phía trên mở rộng và thon vút hình búp hoa. Tháp cao 9m (không kể chóp), từ nền tháp xuống mặt đất là 0,08m. Trên các mặt tường ngoài của tháp người ta làm các cửa giả để trang trí. Mỗi một mặt tường là 3 cửa giả. Giữa các lớp gạch không thấy những mạch vữa liên kết, trên mái chồng chất những lớp gạch xếp nhỏ dần từ dưới lên trên. Mặt bằng của tháp hình vuông, mỗi cạnh 5m, có một cửa ra vào duy nhất mở về hướng đông. Cửa phía trong cấu tạo vòm cuốn, càng lên cao lòng tháp càng hẹp dần, phủ ngoài gạch có một lớp láng (giống như lớp vữa).
Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời Vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Shiva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi, và ấm no hạnh phúc. ThápYang Prong được phát hiện vào quãng những năm 1904-1911 bởi một nhà dân tộc học người Pháp tên Henri Maitre. Nhà khoa học này đã khảo tả về công trình này trong cuốn Les jungles Moi (Rừng Mọi) xuất bản tại Paris năm 1912.
Tháp Yang Prong mang trên mình nhiều giá trị lịch sử, khoa học – nghệ thuật và văn hoá: Yang Prong là một ngôi tháp cổ của người Chăm xưa kia, ra đời vào cuối thế kỷ XIII – có thể nói là một thời kỳ phát triển cực thịnh của người Chăm trên đất Tây Nguyên. Giá trị của tháp còn thể hiện ở chỗ, nó là dấu vết vật chất minh chứng cho lịch sử về sự có mặt của người Chăm ở Đắk Lắk trong quá khứ. Mặt khác, tháp Yang Prong có mặt tại vùng rừng này là một nét độc đáo hiếm thấy. Cùng với sự duyên dáng, đẹp đẽ của cảnh quan nơi đây đã tạo nên vẻ thơ mộng, cổ kính cho cả một vùng bán bình nguyên này. Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Yang Prong mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm tồn tại vững bền cùng thời gian.
Nhằm bảo tồn và khắc phục sự xuống cấp của tháp bởi tác nhân thời gian và môi trường, năm 2013 tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với tổng kinh phí trên 10 tỉ đồng. Việc trùng tu tháp được tiến hành với nhiều hạng mục như trùng tu, gia cố khung thép khu vực chung quanh tháp chính, xây dựng tường rào bao quanh, láng nền bằng ximăng với tổng diện tích 1.200m2, trồng cỏ, đặt ghế đá trong khuôn viên khu vực tháp… Nỗ lực trên của chính quyền địa phương đã góp phần giữ gìn được nét nguyên sơ, cổ kính của tháp nói riêng và khu vực di tích nói chung. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay việc “biết đến” tháp Yang Prong trong nhận thức của khách du lịch, thậm chí là người dân Đắk Lắk vẫn còn rất ít.
Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh. Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, mỗi mặt tường ngoài là 3 cửa giả, một cửa duy nhất mở về hướng Ðông, nơi ngự trị của các vị thần linh. Phía trên mở rộng và thon vút hình tháp bút, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ. Trong thời gian chiến tranh, tháp bị những kẻ đi tìm vàng đánh mìn nên đã hư hỏng nhiều. Tháp cũng không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, núi thấp không bóng cây như những ngọn tháp chàm khác mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H’leo hiền hòa.
Yang Prông có nghĩa là tháp thờ Thần Lớn, vị thần chuyên cai quản mùa màng theo quan niệm của người Chăm cổ. Đây là một công trình còn dang dở, bởi lẽ khi xây dựng tháp, đồng bào Chăm không bao giờ xây một cái mà thường là một quần thể. Hiện nay, tháp đã được công nhận là Di sản văn hóa cần được bảo tồn. Tuy đã được tôn tạo nhưng nhìn chung tháp vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm của nó. Chung quanh tháp được bao quanh bởi những cây gỗ nhiều năm tuổi, khá rậm rạp, đây cũng là minh chứng cho nỗ lực bảo vệ của chính quyền địa phương. Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Yang Prông mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm tồn tại vững bền cùng thời gian. Ngày 3 – 8 – 1991, tháp đã được công nhận là Di tích văn hoá kiến trúc cấp Quốc gia.
Cùng với Hồ Ea Súp thượng và Ea Súp hạ, tháp Yang Prong đã làm phong phú thêm các điểm đến cho du lịch Ea Súp. Tuy nhiên do tháp ở khá xa thành phố Buôn Ma Thuột (trên 90 km), đường vào lại rất khó khăn nên tháp còn quá xa lạ với nhiều người ở Buôn Ma Thuột, ngay cả người Ban mê vốn mang tiếng là kẻ đi nhiều cũng mới chỉ vào đây một lần từ những năm cuối của thế kỷ 20, lúc đó ngọn tháp còn rất hoang sơ giữa tán rừng rậm và đang bị trùng tu.
Hi vọng một ngày nào đó, nơi này sẽ được nhiều người biết đến hơn, đó là khi tour con đường xanh Tây Nguyên trở thành hiện thực. Khi du lịch Ea Súp đã kết nối được với 2 điểm du lịch đông khách và hấp dẫn nhất ở Đắk Lắk là Buôn Ma Thuột và nhất là Bản Đôn với các điểm tham quan nổi tiếng như: các bến nước tại buôn Niêng, buôn Kó đung, Vườn Trohbư, cụm du lịch Bản Đôn.
Mặt khác, di tích tháp Chăm Yang Prong đang từng ngày, từng giờ đối mặt với những vấn đề mang tính nguy cấp như: Tình trạng sạt lở, xuống cấp của di tích; sự xâm thực tín ngưỡng tại Yang Prong (tình trạng người dân địa phương đặt các bát nhang thờ cúng, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng trái phép tại di tích vẫn còn diễn ra). Nguyên nhân của những vấn đề trên là do vị trí của tháp Yang Prong cách khá xa so với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của tỉnh (cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km). Mặt khác, đường vào di tích đã xuống cấp, đi lại khó khăn nên các công ty du lịch không “mặn mà” với việc đưa Yang Prong vào chương trình du lịch…
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích của tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-UBND ngày 30.10.2020 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tháp Chăm Yang Prong đã được tỉnh chú trọng và quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong giai đoạn 2026 – 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, cũng như phát huy được “sức sống” của tháp Chăm duy nhất tại Tây Nguyên đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là việc phát huy tối đa vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp gắn với sự chung tay của người dân.
2. Hồ Thượng Ea Súp
https://www.youtube.com/watch?v=CRv30DNJq-Q&list=PLlrPqsSEltssuXwJnK7KkT67bilMdNR1yhttps://www.youtube.com/watch?v=Ch5kSXjCQ6I
Ea Súp Thượng là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai ở Tây nguyên (sau Hồ Ayun Hạ – Gia Lai).
Hồ thuộc địa bàn xã Chư Ma Lanh, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cách thị trấn Ea Súp khoảng chừng 7 km về hướng Tây. Hồ hình thành do việc chặn dòng suối Ea Súp, được đưa vào sử dụng từ năm 2004 với diện tích mặt nước gần 1.500 ha (lớn gấp 3 Hồ Lắk), dung lượng nước chứa có thể lên đến 146 triệu mét khối. Theo thiết kế, công trình giải quyết nước tưới cho 9.455 ha lúa cùng với diện tích các loại cây trồng khác của 7 xã: Ea Lê, Ea Bung, Ea Đrông, Ea Rốc, Chư Ma Lanh, Ea Lốp, Ea Tmốt và thị trấn Ea Súp.
Khí hậu
Khí hậu vùng này thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa của khu vực Tây Nguyên, mỗi năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Do có mặt nước rộng lớn nên khí hậu ở đây mát mẻ rất nhiều so với các vùng xung quanh dù vũng có đặc trưng của vùng rừng khộp chiếm ưu thế.
Du lịch
Hồ Ea Súp Thượng không chỉ có giá trị to lớn về mặt thủy lợi, thủy sản mà còn hấp dẫn về du lịch. Lợi thế của hồ Ea Súp Thượng là mặt nước lớn, tương đối ổn định vào mùa khô, có bán đảo rộng lớn có rừng tự nhiên, xung quanh hồ cũng xanh ngắt cây rừng. Đứng trên đập chính của hồ có thể thấy những cánh rừng tự nhiên rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Bản thân việc tham quan một công trình thủy lợi lớn thứ nhì Tây Nguyên cũng là sức hấp dẫn của một sản phẩm du lịch.
Đây là một phần không thể thiếu của dự án du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, tour du lịch được đánh giá là cực kì hấp dẫn, với điểm bắt đầu là hành phố Đà Nẵng qua Kon Tum, Gia Lai và theo đường 681 để đến Đắk Lắk qua thị trấn Ea Súp với điểm dừng chính là hồ Ea Súp Thượng.