Đặc sản tỉnh Hòa Bình
Mục lục
Thịt trâu nấu lá lồm
Lá lồm còn được biết đến với cái tên lá giang, lá thồm lồm, lá chua mon, lá giang chua. Đây là loại lá rừng có vị chua, thanh mát, mọc tự nhiên trong khu vực Tây Bắc. Thay vì lá me ở vùng đồng bằng, đây là phương thức tạo vị chua phổ biến ở Tây Bắc.
Cách chế biến thịt trâu nấu lá lồm chuẩn vị Tây Bắc
Trước khi nấu chung, một số người còn thui thịt cho cho dậy mùi, săn bì. Thịt cần được cạo sạch lông, rửa sạch lại lần nữa. Sau đó, người chế biến sẽ thái vừa miệng ăn để chỉ một gắp ăn được cả lá cả thịt. Cắt ngang thớ đảm bảo thịt không bị dai, đồng thời cũng rất đẹp mắt. Cái chất thịt dễ tiết ra cho ngọt canh, đồng thời gia vị cũng ngấm vào đậm, đều hơn.
Tỏi băm nhuyễn, nước mắm, bột canh, mắc khén được cho thêm và đảo đều cho ngấm đều gia vị. Sau khi ướp khoảng 25-30 phút, người làm bắc nồi rồi đổ lượng dầu vừa phải rồi đảo đều tay. Lửa chỉ để to vừa để tránh thịt quá dai. Trong thời gian này, người nấu có thể điều chỉnh thêm gia vị cho món ăn thêm đậm đà.
Cách thưởng thức đặc sản chuẩn chỉ
Khi chín tới, thịt trâu nhừ mềm, bớt đi mùi gây với các nguyên liệu đã thấm đều. Nước nấu lúc này hơi sáng. Đặc biệt, cái vị đặc trưng của thịt trâu với lá nồm chua tạo nên phong vị đậm đà khó có thể tìm thấy dưới xuôi.
Món thịt trâu nấu ngon nhất khi ăn nóng. Bạn có thể dùng chung với cơm, bún, bánh mì hoặc nhâm nhi như món nhậu. Ngoài ra, thịt trâu nấu lá nồm thường được người Mường bày chung với cỗ lá. Chỉ một bát này cũng đủ để anh chị em uống hết chén này tới chén khác.
Tác dụng bất ngờ của thịt trâu lá lồm
Không chỉ là món ăn ngon, thịt trâu nấu lá lồm rất bổ dưỡng. Chất saponin trong lá có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể, đau dạ dày, đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Với lượng vitamin B6, protein, sắt cao, thịt trâu củng cố hệ miễn dịch, cung cấp năng lượng cho các tế bào, đặc biệt khi hoạt động ở cường độ cao. Hàm lượng đạm rất cao nhưng cholesterol lại rất thấp, hệ số hấp thu cao.
Đồng thời, thịt cũng chứa nhiều magie, kẽm, kali tổng hợp protein tăng cường phát triển cơ bắp. Loại thịt này cũng chứa rất nhiều sắt, bổ sung máu cho cơ thể.
Cho tới khi thịt tái chín, săn lại, nước tiếp tục được đổ khoảng nửa nồi. Nếu thích ăn khô hoặc nhiều nước, người nấu hoàn toàn có thể gia giảm tùy thích. Ban đầu, người ta để lửa to tới rồi văn nhỏ lại sau khi sôi. Gia vị tiếp tục được điều chỉnh tới khi vừa miệng,
Lá lồm được đem vò hoặc cắt nhỏ, cho vào nồi hầm sau khi trâu mềm nhừ. Tùy khẩu vị, khu vực, gạo tấm được cho thêm vào hay không. Khi nở bung, gạo sẽ tạo độ sệt nhẹ như cháo loãng khá thú vị. [ nguồn: vivu.net ]
Lợn mán thui luộc
Bên cạnh, cách chế biến cầu kì, thì việc lựa chọn loại thịt lợn làm món ăn này cũng rất quan trọng. Thịt được chọn phải là giống lợn mán khỏe mạnh, được nuôi theo phương thức gần gũi thiên nhiên, không chuồng trại, tự kiếm thức ăn từ các loại rau rừng nên thịt săn chắc, ít mỡ nhiều nạc, giòn mà thơm ngọt.
Lợn mán sau khi cắt tiết, người Mường không cạo lông ngay mà đem thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó để giữ cho hương vị thịt trọn vẹn nhất và cũng để lớp da lợn có màu vàng ươm như mật ong rất đẹp mắt. Sau khi thui kỹ, thịt lợn mán được rửa sạch và xẻ thành từng tảng đem luộc chín trên bếp than hồng.
Kỹ thuật luộc thịt cũng lắm công phu, lợn mán phải được luộc trên bếp củi rừng, và canh sao cho ngọn lửa luôn đều, chỉ cần hơi to hoặc nhỏ lửa một chút cũng có thể làm ảnh hưởng đến món ăn. Khi mùi thơm tỏa ra cũng là lúc món lợn mán thui luộc chín tới. Nhanh chóng vớt thịt ra đĩa rồi xắt thành những miếng mỏng vừa ăn. Độc đáo ở chỗ, lợn mán luộc được người Mường bày trí trên là chuối rừng tạo nét riêng độc đáo của món ăn nơi đây..
Bên ngoài miếng thịt có màu vàng ong do bị lửa thui, còn bên trong miếng thịt chín tới có màu hồng nhạt, mềm, da giòn, ngọt thịt và tỏa mùi thơm quyến rũ. Những miếng thịt lợn mán nóng hổi được chấm với muối hạt dổi nướng giã nhỏ, tạo nên hương vị đậm đà của muối rang, vị ngọt thanh của thịt lợn mán và vị cay cay của hạt dổi. Chỉ mộc mạc vậy thôi mà món lợn mán thui luộc đã chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất.
Thịt lợn mán thui luộc đã trở thành món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây. Họ dùng món thịt lợn mán thui luộc trong những ngày lễ tết, cưới hỏi, hay những lần khách quý ghé thăm để cầu may mắn, sức khỏe và an lành.
Thịt lợn muối chua
Thịt lợn muối chua Thung Nhai của người Mường là một trong những đặc sản nức tiếng Hoà Bình khiến ai ăn một lần cũng đều phải mê mẩn.
Thịt lợn muối chua Thung Nhai là món ăn mang trọn thiên nhiên Hoà Bình đến với những người sành ăn. Với đặc điểm địa lý tại đây, heo thường được nuôi theo kiểu chăn thả nên thịt vô cùng chắc, ít mỡ nên muối chua cực ngon.
Thịt lợn muối chua có ngon thì phải dùng thịt của lợn choai, thả rông dài ngày. Thịt heo tầm đó mới vừa săn vừa chắc, ít mỡ, da giòn. Tốt nhất là nặng không quá 30kg, thịt thơm mà ít mỡ, ăn săn chắc, có vị ngọt tự nhiên, khác hẳn lợn dưới xuôi. Sau khi thái miếng được ướp với muối và riềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái và men lá rừng giã nhỏ sao cho thật ngấm. Một nguyên liệu không thể thiếu đó là thính được làm từ gạo rang rồi giã nhỏ.
Thịt sau khi đã bóp với thính và các gia vị thì đem đi ủ. Người Mường sẽ dùng ống tre ống nứa lót lót lá chuối bên trong để ủ thịt chua. Cứ một lớp thính trộn muối, lại đến một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên cho đến khi đầy bồ. Khâu cuối cùng là đem bồ thịt muối chua treo lên gác bếp củi đun ủ một đến hai tuần. Điểm khác biệt của món thịt chua là ngoài vị chua lên men tự nhiên, vị ngọt của thịt lợn Mường còn có vị bùi ngậy của bì.
Thịt lợn muối chua Hòa Bình thường được ăn kèm với nhiều loại lá, mỗi loại đều có những tác dụng riêng tốt cho sức khỏe như trầu không, lá quế, lá mít. Chấm kèm là một chén tương ớt cay cay hoặc nước mắm tỏi ớt để tăng thêm hương vị.
Khi ăn bạn có thể cảm nhận rõ hương vị của thịt lợn lên men, những miếng thịt được bao bọc bởi màu vàng ươm của things gạo với mùi thơm rất riêng. Miếng thịt khi ăn có vị ngậy của bì, vị bùi của thịt, vị mặn của muối, vị thơm của thính gạo và vị chua của men rừng. Cuốn một miếng thịt vào lớp lá rừng đăng đắng ăn rất lạ miệng. Có thể vị rau rừng ban đầu khiến bạn chưa quen nhưng chỉ cần thêm miếng thứ hai, thứ ba lại muốn ăn thêm miếng nữa và nhớ mãi hương vị.
Thịt lợn muối chua thường được những người dân tộc Mường làm thường xuyên để dự trữ ăn trong gia đình. Người vùng cao thường không bảo quản trong tủ lạnh mà thường muối đồ ăn hoặc gác trên bếp nhưng có thể để được rất lâu.
Địa chỉ ăn món thịt lợn muối chua ở Hòa Bình:
- Khu du lịch hồ Hòa Bình – Cảng, Thung Nai, Cao Phong, Hòa Bình
Món cá nướng đồ
Vùng lòng hồ sông Đà chứa trong nó rất nhiều loại cá nước ngọt ngon lành. Nào là trắm, chép, lăng, nheo… có thể làm ra hàng chục món khác nhau. Trong đó, không thể không kể đến món cá nướng đồ.
Từng con cá tươi roi rói từ sông lên được thọc các que nhỏ, dài từ miệng xuống đuôi. Sau đó, cá còn được kẹp bằng tre ở ngoài để không bị gãy, rơi khi chín. Tiếp đó, từng xiên cá ấy được đưa lên bếp nướng thơm. Cá nướng dù đã ngon nhưng không ăn ngay mà được cho thêm muối, gói vào lá chuối rồi đồ lên. Khi cá được mang ra, mùi thơm rất đặc biệt, không chỉ là mùi của than ấm, mùi của thịt cá ngọt tươi mà còn thoang thoảng hương chuối, hương tre của rừng và đậm đà vị mặn mà đơn sơ của muối.
Địa chỉ ăn món cá nướng đồ ở Hòa Bình:
- Nhà hàng Đảo Xanh – Thung Nai, Cao Phong, Hòa Bình
- Thung Nai Restaurant – Thung Nai, Cao Phong, Hòa Bình
Cá suối Hòa Bình
Đến với Mai Châu Hòa Bình bạn được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, khám phá cuộc sống thôn quê chất phác của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, bên cạnh đó bạn còn được thưởng thức những đặc sản nơi đây nổi bật là Cá Suối Nướng.
Mai Châu là thung lũng của tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội 140 km về hướng Tây Bắc. Nếu bạn yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng, mong được hòa mình với thiên nhiên, Mai Châu là điểm đến thích hợp. Nơi đây sẽ quyến rũ bạn bởi vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc của núi rừng, nương rẫy, đặc biệt là văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Địa chỉ ăn món cá suối ở Hòa Bình:
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Xuân Màng đặc sản tô cá suối nhạp – Xóm, Nhạp 1, Đà Bắc, Hòa Bình
Cá dầm xanh sông Đà
Cá dầm xanh sông Đà là một loại cá quý, từng được mệnh danh “ngũ quý hà thủy”, một trong 5 loại cá tiến vua hiếm có khó tìm trong truyền thuyết. Có thể nói, thưởng thức cá dầm xanh sông Đà đã trở thành niềm đam mê của biết bao người. Tìm kiếm, săn lùng cá dầm xanh sông Đà, đắt mấy cũng mua là nhu cầu của những người “sành” ăn. Có người rình phục tận thượng nguồn để mua cá về đãi khách. Có người mải mê săn lùng cá do dân làng chài mới đánh bắt về không kể ngày đêm…
Cá dầm xanh thường sống ở tầng đáy của sông, nhất là các con sông, con suối của vùng núi Tây Bắc. Cá có miệng dày và có vảy óng ánh màu ửng xanh. Thức ăn của cá dầm xanh là mùn bã hữu cơ, các loại tảo và động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông. Hàng năm, đến mùa sinh sản, cá dầm xanh thường chui vào các hang động để đẻ trứng. Cá dầm xanh thuộc họ cá chép và di cư theo mùa. Cá có ruột rất dài, gấp 10 lần chiều dài của thân.
Điểm đặc biệt nữa ở cá dầm xanh là thịt thơm ngọt từ khi còn nhỏ như đầu ngón tay cho tới khi có trọng lượng trung bình 6 – 7kg, không giống như các loại cá khác là chỉ ngon khi trọng lượng lớn. Hơn nữa, thịt của cá dầm xanh còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như đạm, protein, canxi, chất béo, chất khoáng, vitamin…
Không chỉ có thịt thơm ngọt, một số bộ phận của cá dầm xanh sông Đà như buồng trứng và xương cá cũng rất mềm và bùi ngầy ngậy, vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có giá trị chữa bệnh. Vì thế mà dù chế biến cá dầm xanh theo cách thức nào thì cá cũng đều rất ngon mà không có mùi tanh. Cá dầm xanh có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như gỏi, lẩu, nướng, nấu cháo. Nhưng ngon bậc nhất vẫn là cá dầm xanh sông Đà hấp hoặc om.
Địa chỉ ăn món cá dầm xanh sông Đà ở Hòa Bình:
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Nhà sàn số 19 Hùng Mếch – Số 19 Bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình
Các món côn trùng
Sâu, nhộng, cào cào, châu chấu… lúc nhúc được bày bán tràn lan ở các chợ quê huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Những loài côn trùng “ghê sợ” này lại trở thành món ăn đặc sản đãi khách không thể thiếu của người dân nơi đây.
Chợ bán các loại công trùng ở huyện Lạc Sơn được người dân bán theo chợ phiên Re, xã Ân Nghĩa hay chợ Lâm Hóa, xã Vũ Lâm và các ngày cách nhật trong tuần.
Chợ bán các loại công trùng ở huyện Lạc Sơn được người dân bán theo chợ phiên Re, xã Ân Nghĩa hay chợ Lâm Hóa, xã Vũ Lâm và các ngày cách nhật trong tuần.
Gọi là chợ côn trùng bởi người dân đến mua, bán tập nập các loài côn trùng như: Nhộng, trứng sâu ăn lá sắn, cào cào, châu chấu và nhiều loại côn trùng khác.
Các loài côn trùng này được bày bán công khai như những vật nuôi hay loại thực phẩm khác. Bởi người dân mua về nuôi làm thực phẩm hay mua về chế biến thành món ăn.
Các loại côn trùng được bày bán có giá không hề rẻ. Nhộng sâu ăn lá sắn có giá từ 80 – 100 nghìn đồng/kg, các loại nhỏ bán theo mớ. Đắt nhất là trứng của loài sâu này, có giá 500 nghìn đồng/100 gram.
Chợ mua bán côn trùng tấp nập từ sáng cho đến khi hết người mua. Hầu hết, các loài côn trùng này được người dân bắt ở các ruộng sắn, lúa rồi đem ra chợ bán cho những người có nhu cầu mua nuôi hay mua làm thức ăn.
Trứng của loại sâu ăn lá sắn có giá đắt rất hiếm. Mua 100 gram với giá 500 nghìn đồng về nở ra được rất nhiều nhộng, cho nhộng ăn lá sắn lớn lên bán với giá thực phẩm cho những người mua về làm thức ăn đặc sản.
Cào cào, châu chấu cũng được bày bán rất nhiều ở các chợ quê huyện Lạc Sơn. Nhiều người dân thường gọi đây là đặc sản “tôm bay” ăn rất ngon và là món ăn đãi khách được nhiều gia đình ưa chuộng.
Người bán, người mua các loại côn trùng này chủ yếu ở các xã như: Vũ Lâm, Tân Mỹ, Ân Nghĩa… huyện Lạc Sơn.
Nhờ nghề bán đặc sản côn trùng, nhiều hộ gia đình cũng có thu nhập cao. Với nhiều du khách thấy ghê sợ với những loài lúc nhúc này, nhưng với người dân nơi đây lại bình thường như món ăn dân dã khác.
Châu chấu, cào cào có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/kg. Món đặc sản “tôm bay” này được nhiều người ưa thích vì khi rang lên ăn rất ngon, nhiều chất dinh dưỡng.
Theo nhiều lái buôn cào cào, châu chấu, những con côn trùng này được mua lại của những người dân đi săn vào ban đêm. Mỗi một kg khi thu gom mang ra chợ bán cũng lãi được từ 20 – 50 nghìn đồng.
Xôi nếp nương Mai Châu
Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, Tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” – nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Xôi nếp nương Mai Châu hẳn là một món ăn truyền thống của người dân nơi đây, bởi xôi chỉ có thể thơm nhất và đậm vị nhất khi được nấu từ chính đôi bàn tay khéo léo của người đàn bà dân tộc Thái và bằng chính loại nếp nương được trồng trên những thửa ruộng bậc thang nối liền nhau ngay lưng chừng núi. Sau khi nếp được thu hoạch về, các hạt nếp nương sẽ được phơi khô cho thật ráo vỏ, khi đó các cô gái Thái sẽ dùng sức lực đôi bàn tay mình cho nếp vào cối lớn để tróc vỏ đi. Từng hạt nếp nương chắc mẩy sẽ được mang đi ngâm nhiều giờ liên tục để nếp thấm nước và nở ra. Sau khoảng thời gian ngâm đã đủ nước, các hạt nếp được cho vào đồ trong những khay gỗ để tạo nên một mùi hương đặc trưng của món xôi nếp nương Mai Châu.
Dưới ngọn lửa hồng của củi rừng Tây Bắc, xôi tỏa ra hương thơm đặc trưng của loại nếp nương Mai Châu, khi đó ta lấy xôi ra rổ, xới xôi thật đều tay một lúc rồi lại cho xôi vào chõ gỗ để đồ tiếp lần hai. Lúc này, công việc còn lại là chỉ chờ cho xôi chín. Đến khi đã cảm nhận được hương vị thơm phức lòng người của nếp nương từ chõ xôi là lúc xôi đã chín, nhìn hạt nếp ta thấy bóng mẩy, nở căng cho thấy xôi đã đạt được tiêu chuẩn về mặt hình thức. Còn về hương vị của xôi, khi nếm thử ngay từ đầu lưỡi ta cảm nhận thấy vị dẻo ngọt của hạt nếp thì khi đó xôi đã đạt đến độ chuẩn về chất lượng.
Khi thưởng thức xôi nếp nương Mai Châu ta thường ăn kèm cùng với một số món ăn khác như lợn rừng xiên nướng, gà đồi xé nhỏ nguyên con hoặc có thể chọn cho mình cá suối nướng mặn mòi, thơm lừng… Và ta chẳng thể không kể đến một vật liệu hay ăn kèm nhất và cũng đơn giản nhất đó chính là muối vừng, sự kết hợp này sẽ mang hương vị của món xôi nếp đạt đến mức thượng hạng.
Như vậy còn lưỡng lự gì nữa mà ta không thu xếp thời kì kẹ thăm Mai Châu – Hòa Bình để có thể tận hưởng một món ăn dân dã đặc sắc đẹp nơi đây – xôi nếp nương Mai Châu.
Địa chỉ ăn món xôi nếp nướng Mai Châu ở Hòa Bình:
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Đồng bào dân tộc – Bản Lác Mai Châu
Nhà sàn số 19 Hùng Mếch – Số 19 Bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình
Canh pịa
Có lẽ trong những món ăn phong phú ở vùng cao Tây Bắc, món nậm pịa là khó ăn nhất nhưng cũng để lại ấn tượng nhất. Nậm pịa khiến những du khách phương xa nhớ mãi về một nền văn hóa ẩm thực rất độc đáo của đồng bào nơi đây.
Món canh pịa nghe có vẻ lạ này chính là món canh thường được người dân tộc Thái thực hiện trong các dịp Lễ Tết hay những bữa tiệc đãi khách.
“Pịa” chính là từ dân tộc dùng để chỉ chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê. Người ta sẽ lấy phần pịa ngon nhất từ ruột non rồi cho thêm các loại gia vị đặc trưng như mắc khén, sả, ớt,…. Tiếp theo thêm nội tạng động vật như: lòng, dạ dày, gan, phổi rồi bày ra tô hoặc bát nhỏ nhân lúc còn nóng.
Món ăn có vị đắng và cực kỳ khó ngửi nhưng hậu vị lại rất ngọt và béo. Canh pịa tuy có vẻ ngoài cùng hương vị khó ăn và có phần “hơi ghê” khi ai chưa ăn quen nhưng lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe và giải rượu vô cùng hữu hiệu đó!
Dưới đây là cách nấu nậm pịa đúng chuẩn vị Tây Bắc mà bạn có thể tham khảo nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu để tạo nên món đặc biệt này gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non… và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, dê, trâu, ngựa gọi nó là “pịa” đem ninh nhừ.
Người Thái chỉ lấy nậm pịa ở những con vật ăn cỏ như: trâu, bò, dê và cách lấy “pịa” cũng vô cùng tỉ mỉ, công phu.
Cách nấu nậm pịa
Đầu tiên người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, mục đích là để chất nhũ tương trong ruột non không pha tạp. Sau đó cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tàu, tỏi ớt… rồi băm nhỏ.
Việc chuẩn bị nguyên liệu cầu kỳ, còn công đoạn nấu món này cũng công phu không kém. Theo đó, nước dùng của nậm pịa là xương và lục phủ ngũ tạng được ninh nhừ trong nhiều giờ, cho đến khi đạt độ ngọt, béo ngậy, thì đổ pịa đã ướp gia vị vào, đun sôi khoảng một tiếng đồng hồ thành hỗn hợp sệt sệt, sóng sánh.
Món nậm pịa được đơm ra bát, màu bên ngoài là một sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Nếu lần đầu tiên được thưởng thức nậm pịa chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu, tuy nhiên, nếu cảm nhận kỹ thì món ăn này có hương vị rất cuốn hút.
Thưởng thức món nậm pịa
Món nậm pịa được đơm ra bát, màu bên ngoài là một sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Nếu lần đầu tiên được thưởng thức nậm pịa chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu, tuy nhiên, nếu cảm nhận kỹ thì món ăn này có hương vị rất cuốn hút.
Vị đắng, thơm đặc trưng của các loại rau rừng, vị béo ngậy của nội tạng, ngọt bùi của xương hòa quyện trọng vị cay nồng của hạt mắc khén sẽ khiến bạn nghiện từ lúc nào không biết.
Nậm pịa được ăn như món canh hoặc món nước chấm. Bạn có thể chấm thịt bò, dê với nậm pịa hoặc ăn món này với cơm và các loại rau thơm, kèm thêm chút rượu nồng. Dùng theo cách nào, nậm pịa cũng nổi bật được hương vị lạ, lan tỏa tới mọi giác quan. Đặc biệt, nậm pịa có tác dụng giải rượu rất tốt nên bạn yên tâm uống rượu, khó mà say.
Địa chỉ ăn món canh pịa ở Hòa Bình:
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Canh loóng
Lâu nay, trong các bữa tiệc nhân dịp hội ngộ, ngoài những món ăn hấp dẫn thực khách, thường hay có chén rượu đẩy đưa. Đôi khi, chén rượu đưa tình ấy lại làm người thưởng thức choáng váng. Bởi thế, trong bữa cơm của người Mường đất Hòa Bình từ bao đời nay luôn có món canh loóng, món canh thanh mát giải độc và giã rượu.
Khi tìm hiểu mới được biết việc lựa chọn nguyên liệu là cây chuối rừng cũng phải có kinh nghiệm. Bà con cho biết nếu là chọn các loại chuối vườn nhà sẽ khó có vị ngon vì thân chuối thường cứng và nhạt hơn so với cây chuối rừng. Ở núi rừng Tây Bắc vẫn còn nhiều loại chuối này, đặc biệt là những cây thân vừa tầm, để chế biến thành món canh loóng. Cây chuối mọc hoang dã trên rừng được người dân Mường đem về bóc bớt lớp vỏ già bên ngoài, sau đó dùng dao sắc thái từng lát chuối cho thật mỏng.
Chuối thái xong được đem bóp kỹ với muối trắng cho sạch lớp nhựa, cho hết vị chát và thơm tho rồi để thật ráo nước. Đợi đến khi nồi nước luộc thịt lợn sôi chừng nửa giờ đồng hồ liền bỏ chuối vào để làm canh loóng.
Có nơi, bà con lại sử dụng cánh gà thay cho thịt. Khi đó, người ta sẽ chặt lấy phần cánh gà đem xào qua với gia vị cho đậm đà rồi mới đổ nước vào đun, sau khi sôi đều mới tiếp tục bỏ những lát chuối vào nồi. Bát canh loóng khiêm nhường luôn được đặt ở góc mâm nhưng lại rất cần thiết mỗi khi vào bữa cơm.
Nếu như ở đồng bằng người ta thường nấu củ chuối với xương để hãm vị mỡ béo và giữ được vị ngọt thì món canh loóng không chỉ giữ được vị ngọt mà còn có tác dụng giải độc nếu thực khách ăn phải một vị nào đó không hợp đồng thời giúp cho bữa cơm thêm nhẹ nhàng mặc dù trên mâm cỗ lá chỉ vỏn vẹn có một món thịt.
Canh loóng ngoài vị ngon còn là một vị thuốc độc đáo được người dân Mường khéo léo đưa vào bữa cơm hằng ngày. Bởi vậy, dù mâm cỗ đầy ắp các món thịt hay đạm bạc đơn sơ với vài món ăn đơn giản thì canh loóng vẫn là món không thể thiếu, như một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây.
Món canh loóng không cầu kỳ khi bạn tìm được một thân cây chuối rừng thật ngon, đem đến sự mới lạ cho bữa cơm gia đình vào những ngày nghỉ. [Trích Báo Thanh niên].
Địa chỉ ăn món canh loóng ở Hòa Bình: Làng ngói – Tỉnh lộ 317 TP Hoà Bình
Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến là 1 trong những đặc sản dân dã nổi tiếng của người dân tộc Tày.
Vào khoảng tháng 2, tháng 3 khi tiết trời vừa sang xuân cũng là lúc kiến rừng sinh sôi nảy nở nên đây chính là lúc mà người dân vào rừng để lấy trứng kiến về làm xôi. Xôi được nấu từ những hạt gạo nếp nương chất lượng và trứng kiến đen nên vô cùng thơm ngon, dẻo bùi và béo ngậy.
Nếp nương là thành phần được dùng để chế biến nhiều món ăn quen thuộc. Nhưng linh hồn của món xôi này là trứng kiến. Trứng kiến làm nên hương vị đặc biệt cho món ăn, khiến cho hương vị của nó không lẫn vào đâu được.
Làm trứng kiến lắm công phu. Những hạt trứng nhỏ li ti trong suốt được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới lúc tỏa hương thơm lừng. Sau đó mới dùng một chiếc lá chuối ngự gói trứng kiến vào để mùi thơm của trứng lẫn với hương lá chuối, thử hỏi, trên đời còn thứ gì ngon hơn.
Trứng kiến sau khi ướp gia vị gói trong lá dong tươi nướng than để trứng chín mà không bị cháy. Khi xôi chín rắc trứng kiến vào rồi nhẹ tay đảo đều. Đĩa xôi đủ các màu tươi sáng như màu của vùng núi rừng Tây Bắc.
Xôi nếp vụ mới thơm dẻo lạ lùng, những hạt trứng kiến vỡ lép bép nho nhỏ trong miệng tỏa ra một mùi hương thơm dịu, cay cay, cứ dâng lên một niềm hưng phấn lạ kỳ, rồi chợt ùa đến vị ngọt bùi ngầy ngậy chưa từng được trải nghiệm.
Cách thưởng thức món xôi trứng kiến Mù Cang Chải đúng vị đó chính là dùng tay nhúm lấy một miếng xôi và cho vào miệng sẽ cảm nhận được những tiếng lép bép của trứng kiến không khỏi làm bạn xuýt xoa bởi vị ngon thơm của xôi nếp, vị bùi bùi, béo béo, ngậy ngậy của trứng kiến. Tất cả hòa quyện một cách hoàn hảo khiến bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên đấy.
Không phải trứng của loài kiến nào cũng có thể ăn được, bởi không phải loại trứng kiến nào cũng đủ to và đủ độ thơm bùi để chế biến món ăn. Người ta thường chọn trứng của loài kiến đen to làm tổ trên các cây cao trong rừng sâu.
Công cuộc lấy trứng kiến cũng rất gian nan và nguy hiểm. Để lấy trứng kiến ra khỏi tổ kiến, người dân tộc Tày dùng câu liêm hoặc que dài chọc thủng tổ kiến cho kiến rơi xuống, rồi đập vỡ tổ thành nhiều mảnh. Sau đó, cầm từng mảnh rũ nhẹ vào trong sàng rồi lọt xuống thúng. Trứng kiến và con kiến sẽ cùng rơi xuống thúng. Để tách kiến ra khỏi thúng, họ dùng các cành cây để cho kiến bám vào. Bao giờ kiến bám đầy cành thì họ sẽ vứt cành cây đi. [Trích Báo Đại Đoàn Kết]
Địa chỉ ăn món xôi trứng kiến ở Hòa Bình:
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Rau rừng đồ
Trong món rau đồ của người Mường, có rất nhiều loại khác nhau từ lá cây rừng đến các loại rau vườn nhà. Các loại rau phổ biến trong món ăn chính là rau cải mèo, lá lốt, rau đu đủ, lá hom,… Không chỉ có hương vị độc đáo, lạ miệng, món rau đồ còn là một món ăn rất tốt cho sức khoẻ.
Theo nhiều người dân ở đây, miền núi Hòa Bình trước đây vốn được biết tới như khu vực rừng núi hiểm trở, không có nhiều điều kiện về thuốc men. Do đó các bậc đi trước đã dùng các loại rau rừng như một vị thuốc chữa bệnh.
Theo y lý phương Đông, các loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có công dụng phòng chống cảm sốt rất hiệu quả, đồng thời chúng còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Cách chế biến món rau rừng đồ độc đáo và hấp dẫn:
Về cách chế biến, món ăn này được làm rất đơn giản. Các loại rau sau khi rửa sạch, được thái nhỏ, trộn đều thêm cùng hoa chuối thái mỏng, rồi đồ lên bằng chõ gỗ. Hoa chuối thái mỏng có tác dụng trung hoà, làm giảm bớt vị đắng và chua trong món ăn. Đến khi nước sôi thì người dân bắc chõ lên đồ. Thời gian chờ rau chín chỉ tầm khoảng 15 phút, đến khi bạn thấy mùi thơm của lá lốt. Món rau này chín bằng hơi nên không nát, khi ăn có độ ẩm vừa phải.
Thưởng thức món rau đồ:
Nếu như nhiều bạn lo lắng rằng vị chua chát và đắng sẽ rất khó ăn, thì hãy yên tâm bởi món ăn này có ăn kèm cùng món nước chấm vô cùng hấp dẫn. Chính là nước chấm ớt lòng cá.
Cách làm nước chấm ăn cùng món rau đồ:
Gia vị chấm được làm khá cầu kì với nguyên liệu chính là bộ lòng của cá lớn, thường từ 2kg trở lên. Bất kì loại cá nào cũng có thể lấy để chế biến gia vị chấm này nhưng ngon nhất phải kể đến bộ lòng cá chép, cá lăng lòng hồ Hoà Bình.
Lòng cá sau khi rửa sạch đem đi ướp với gừng, ớt, lá và quả móc mật. Chờ khoảng nửa tiếng để lòng cá ngấm sau đó cho vào xào. Bạn không cần phải cho thêm nước vì trong quá trình xào nước từ bộ lòng cá sẽ tiết ra nhiều hơn.
Nước chấm lòng cá khi chế biến xong sẽ có màu vàng đậm của nghệ tươi, điểm sắc đỏ của ớt và chút màu xanh của hành lá. Đó cũng là thời điểm mọi người cùng nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món rau rừng đồ. Vị chát, đắng tự nhiên ở đầu lưỡi hòa quyện cùng với vị béo, ngọt, cay, thơm của thứ nước chấm lòng cá sẽ để lại ở mỗi thực khách những dư vị khó diễn tả thành lời.
Món rau rừng đồ là món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân Hoà Bình. Trong những bữa ăn dịp lễ tết cũng không thể thiếu vắng món ăn độc đáo này. Vào dịp lễ tết các gia đình ở Hoà Bình mở cỗ rất to với nhiều món thịt mán, cá nướng, thịt trâu,… Những món ăn này nếu thưởng thức nhiều sẽ có cảm giác ngấy, và một đĩa rau rừng lành tính sẽ giúp cân bằng lại vị giác của bạn.
Địa chỉ ăn món rau rừng đồ ở Hòa Bình:
Nhà hàng ẩm thực Việt – Khu Thắng Lợi, thị trấn Thanh Hà, Lạc Thủy, Hòa Bình
Nhà hàng Đảo Xanh – Thung Nai, Cao Phong, Hòa Bình
Nhà hàng Hồ Ngọc – QL6, Trung Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình
Cải mèo
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì xung quanh lá cây được bao phủ bởi lớp lông, lá có các đường viền. Cải mèo được chế biến thành nhiều món ăn phong phú như: cải mèo luộc, canh cải mèo, cải mèo xào thịt bò,…
Cải mèo luộc chấm nước mắm dầm trứng chế biến hết sức đơn giản. Mua cải về, tách từng bẹ rau ra rửa sạch rồi xắt ra thành từng khúc dài 4-5 cm, cho vào luộc với nước đã đun sôi già. Nêm thêm vài hạt muối trắng và lật trở đều tay cho rau xanh màu. Đập thêm vài lát gừng cho thơm rau. Rau vừa chín tới thì vớt ra, bày lên đĩa.
Luộc hai quả trứng gà rồi dầm với nước mắm hoặc nước tương (xì dầu). Và ăn nóng. Ăn tới đâu là biết liền tới đó. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải của rau quyện với vị ngọt, vị thơm, vị mặn của xì dầu, rồi là cái béo của lòng đỏ trứng gà… Tất cả hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa…
Ăn cải mèo nơi này ấn tượng nhất là cái vị đăng đắng ngăm ngăm của nó. Đăng đắng vừa phải, vừa đủ. Đăng đắng qua rất nhanh để rồi khi qua đi, lại cảm nhận rõ thêm cái ngọt ngào, tươi non, mềm mại của rau; ngọt ngào, đậm đà của nước chấm. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm ấy, đã ăn một lần thì chẳng dễ gì quên được. Mùa đông, ăn cải mèo nơi đây luộc chấm mắm dầm trứng, vừa ngon, vừa bổ mà lại mát lòng mát dạ.
Địa chỉ ăn món cải mèo ở Hòa Bình:
Nhà sàn số 19 Hùng Mếch – Số 19 Bản Lác, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình
Các quán ở Bản Lác – Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình
Rượu cần
Rượu cần của người Mường thường gọi là rượu cần Mường Vang là một loại đồ uống từ lâu đời.
Khác với một số dân tộc khác như Ê Đê, M’Nông ở khu vực Tây Nguyên chỉ dùng một chiếc cần duy nhất, người Mường Hoà Bình sử dụng nhiều cần rượu, mỗi người một cần để nhiều người có thể cùng uống. Đặc biệt là khi nhà có đông khách quý, trong dịp lễ Tết, hội hè, người Mường mới tổ chức uống rượu cần.
Các gia đình người dân tộc Thái, Mường ở một số địa phương trong tỉnh theo cách truyền thống vẫn tự làm rượu cần để dùng trong lễ Tết, hội hè hay khi nhà có việc. Nơi nhà sàn bập bùng bếp lửa, trong âm thanh trầm bổng của cồng, chiêng, già, trẻ, gái, trai cùng vít cần rượu mà thưởng thức vị ngọt ngào, ấm áp của hạt gạo, lá cây được làm từ bàn tay khéo léo của các ông bố, bà mế. ở một khía cạnh nào đó, uống rượu cần mang nét độc đáo của lối sinh hoạt văn hoá truyền thống.
Rượu cần thường được dùng trong những dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền hoặc đám hiếu hỷ có đông người tham dự của dân tộc Mường. Hiện nay, Hòa Bình có gần 200 cở sở sản xuất rượu cần cung cấp hàng nghìn bình rượu ra thị trường và đa phần tập trung ở khu vực thị xã Hòa Bình & huyện Lương Sơn. Do thấy kinh doanh rượu cần có lãi, nhiều ông chủ lớn ở Hà Nội và các vùng lân cận tới các địa chỉ có tiếng ở các vùng “mường Bi, mường Vang“ tìm đối tác sản xuất rượu cần thương phẩm. Họ đầu tư vốn, còn người bản xứ đảm nhiệm về mặt kỹ thuật. Từ đó, thương hiệu rượu cần Hòa Bình được xây dựng và gìn giữ trong thời gian dài và được đông bảo khách hàng quan tâm thưởng thức.
Qua tìm hiểu, Hòa Bình có nhiều công thức làm rượu cần riêng, nên có hương vị khác nhau. Tuy vậy, nguyên liệu nhìn chung gồm có nếp than, men lá, lá thuốc, vỏ trấu. Trong nguyên liệu làm rượu cần thì men là quan trọng nhất, nó quyết định rượu có ngon hay không. Men rượu ngon là men truyền thống của người Mường được làm từ 24 nguyên liệu từ ớt, lá lọt núi gừng, riềng, lá mít , vỏ long não, ổi và 1 số lá cây rừng … trong men lá rừng không bao giờ thiếu là vỏ cây gỗ mun. Vỏ cây mun có tác dụng khử độc rất tốt nên người uống không bị đau đầu và gây độc hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở do lợi nhuận không dùng men lá cây.
Dân ta có câu “Rượu ngon thì cất lâu” nên muốn có rượu cần ngon phải ủ trên ba tháng, quý hơn nữa phải ủ ba năm tới khi có nước màu nâu sẫm uống có vị ngọt, vừa có vị đắng. Nếu làm đúng quy trình trên, mỗi năm chỉ sản xuất vài ngàn bình và chi phí cho loại rượu cần chính hiệu không dưới 100.000 đồng/bình (loại dung tích vừa phải). Tuy vậy, số cơ sở sản xuất rượu cần đúng quy trình này không nhiều. Phần lớn các cơ sở sản xuất theo kiểu đại trà, chạy theo số lượng, nên chất lượng giảm. Để cạnh tranh về giá cả, các cơ sở sản xuất rượu cần theo kiểu “mì ăn liền” với nguyên liệu là gạo nếp rẻ tiền, dùng men Trung Quốc chỉ ủ một tuần là đã xuất lò. Đó là chưa kể khi vào vụ với nhiều đơn đặt hàng, một vài cơ sở sản xuất còn cho đường kính để thúc đẩy quá trình lên men rồi tự gán cho thứ “rượu nhanh” đó cái mác “rượu cần dân tộc Hòa Bình“ rồi bán với giá bình dân 15 đến 50.000 đồng/vò. Việc sản xuất rượu cần “chợ” như hiện nay đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, sức khỏe cho người tiêu dùng. Về lâu dài làm mất uy tín một “thương hiệu“ của một mặt hàng có tiềm năng tiêu thụ lớn.
Do vậy, để thương hiệu rượu cần Hoà Bình mang đúng nghĩa cần có nhiều cơ sở sản xuất men hơn nữa. Đồng thời, ý thức của người làm rượu cần được nâng lên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh Hoà Bình. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh tại tổ 3, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình). Nhãn hiệu được bảo hộ tập thể không bảo hộ riêng. Màu sắc lô gô nhãn hiệu đỏ, vàng, trắng. 50 hộ SX-KD rượu cần ở TPHB, huyện Lương Sơn, Tân Lạc và Kỳ Sơn được sử dụng lô gô nhãn hiệu sản phẩm tập thể.
Ông Đỗ Văn Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội rượu cần tỉnh cho biết: “Đây là căn cứ pháp lý và là cơ hội để rượu cần vươn xa hơn thị trường trong nước và thế giới. Trong thời gian tới, chúng tôi có những chế tài, ưu đãi riêng với những hộ sản xuất rượu cần trong Hiệp hội nhằm hướng tới sản xuất rượu ngày càng chất lượng mang đúng nghĩa với thương hiệu rượu cần Hoà Bình”.
Lời cuối, chúng ta dù là người sử dụng hay kinh doanh sản phẩm Rượu cần Mường Vang thì chúng ta hãy xây dựng và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường tại vùng quê Hòa Bình. [ruoucan.biz]
Địa chỉ uống món rượu cần ở Hòa Bình:
Rượu Cần Mường Vang – Xã Thành Lập, Thành Lập, Lương Sơn, Hòa Bình
Cơm lam
Đã bao đời nay, cơm lam hiện hữu trong đời sống người Mường và cũng chẳng ai biết rằng từ ngàn đời xưa ai là người đã nghĩ ra việc dùng ống nứa thay cho cái nồi, cái niêu… chỉ biết rằng cơm lam là một món ăn của núi rừng, là một thứ đặc sản và cũng chỉ là một phần của văn hoá ẩm thực của người Mường.
Cơm lam Hòa Bình mang hương vị thơm dẻo của gạo nếp nương và cốt dừa.
Hòa Bình nổi tiếng có loại gạo nương vô cùng dẻo thơm. Đó là nguyên liệu chính để tạo nên món cơm lam đầy sức hấp dẫn này. Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn có khi đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Nên họ mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa, từ những thói quen từ ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi từ người Tày, người Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại dẻo nổi tiếng.
Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Gạo nếp nương được ngâm qua đêm, trộn cùng với cùi dừa thái sợi và nén vào trong ông nứa dài khoảng 30 phân. Khi nén gạo vào ống, người ta bỏ thêm một chút nước cốt dừa rồi nút ống lại bằng mía hoặc lá chuối và nướng trong khoảng 2 tiếng trên bếp củi là chín cơm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.
Khi ăn món đặc sản Hòa Bình này, thực khách cần chẻ qua lớp vỏ cháy bên ngoài, rồi tách thật khéo léo để không bị bể lớp cơm bên trong ống. Những hạt gạo nếp nương thơm dẻo hòa quyện cùng vị béo ngậy của cốt dừa chắc chắn sẽ mang lại những hương vị tinh tế cho thực khách khi đến với miền sơn cước này.
Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với cơm lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt lạc, hạt đậu trong đó nhưng đựoc thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.
Những sản vật của núi rừng Hòa Bình luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất, tuy nhiên đến Hòa Bình phải được nếm hương vị của cơm lam thì mới có cảm nhận được hương vị của miền sơn cước này. [Báo Đại Đoàn Kết]
Địa chỉ ăn món cơm lam ở Hòa Bình:
Nhà hàng bếp Mường – Khu du lịch suối khoáng, Kim Bôi, Hòa Bình
Nhà hàng cơm lam Mường Động – Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình
Nhà hàng Hợp Thủy – Ẩm thực Mai Châu, Hòa Bình (Restaurant-Bar) – Tiểu khu 2 TT. Mai Châu. Gần cổng chào. Cách bản Lác 02 KM, Mai Châu, Hòa Bình
Cam Cao Phong
Từng bị lép vế và nhầm lẫn với các loại cam khác trên thị trường, nhưng nay, cam Cao Phong đang từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu. Không chỉ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ quốc gia, cam Cao Phong còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU.
Huyện Cao Phong (Hòa Bình) không chỉ là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc mà còn là địa phương điển hình về làm thương hiệu cho nông sản. Những năm 60 của thế kỷ trước, cam đã được trồng thành vùng tại đây. Với chất lượng thơm ngon đặc trưng, cam Cao Phong từng được xuất khẩu sang Liên Xô, sau đó, vì nhiều nguyên nhân, diện tích, sản lượng cam giảm dần. Trước tình hình đó, huyện Cao Phong đã chỉ đạo vực dậy cây cam.Nếu như năm 2014, diện tích trồng cây có múi tại huyện Cao Phong mới dừng ở 1.200ha, sản lượng 16.500 tấn thì đến vụ cam 2019 – 2020, huyện có gần 3.016ha cây ăn quả có múi, sản lượng trên 40.000 tấn. Trong đó, hơn 1.018ha trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP với sự tham gia của 759 hộ.
Nhiều năm nay, cam Cao Phong đã trở thành một thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Cao Phong đang phát triển 4 giống cam chính là cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh và cam V2. Lịch trình phát triển của sản phẩm cam Cao Phong được đề ra rõ ràng, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu để có khả năng nhận diện, cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2010 – 2015, cam Cao Phong bắt đầu giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu; năm 2015-2020, tiếp tục bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả diện tích cây có múi đã được quy hoạch.
Để làm được điều này, tỉnh Hòa Bình đã phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật, huy động các nguồn lực liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.Với những bước đi đúng đắn, bài bản, cam Cao Phong dần khẳng định chất lượng, ưu thế vượt trội trên thị trường. Năm 2007, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận logo nhãn hiệu hàng hóa, Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn Top 100 thương hiệu Việt. Năm 2010, được Hội Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho 4 giống cam tại thị trấn Cao Phong và 5 xã. Đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định. Sự kiện này là bước đột phá, tạo lập vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật, mở ra nhiều cơ hội vươn ra thị trường lớn -bước ngoặt trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong.
Trong chỉ dẫn bước đầu được bảo hộ cho bốn giống cam bao gồm:
- Giống cam v2
- Giống cam Xã Đoài lùn
- Giống cam Xã Đoài cao
- Cam canh
- (sắp tới sẽ là Cam lòng vàng)
Hơn 6 năm qua, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, khẳng định thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình. Cùng với việc tạo lập, để giữ thương hiệu, huyện Cao Phong đã thành lập Ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát, tránh trà trộn cam các nơi khác mạo danh cam Cao Phong. Năm 2018, huyện đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc có bao bì và logo riêng để người tiêu dùng dễ nhận biết. Ngoài ra, một số dự án nhà máy sơ chế ban đầu đã manh nha hình thành, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu cho cam Cao Phong.
Địa chỉ ăn món cam Cao Phong ở Hòa Bình:
Đường huyện Cao Phong khi vào mùa – Cao Phong, Hoà Bình
Chả cuốn lá bưởi
Món chả không phải là món ăn mới lạ của người Mường, vì đâu đâu cũng chế biến món này trong mâm cỗ nhưng chả cuốn lá bưởi có lẽ chỉ vùng đất này mới có. Đó là sản phẩm của bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu của người Mường nơi đây
Để chế biến được món chả lợn cuốn lá bưởi, người Mường Hòa Bình đặc biệt chú trọng đến khâu tìm chọn nguyên liệu
Không quá cầu kỳ để tìm nguyên liệu chế biến món ăn này. Chỉ cần ra vườn nhà, chọn hái những lá bưởi đang độ non bánh tẻ, bề mặt lá xanh bóng, dẻo.
Thông thường người Mường hay chọn lá bưởi ta, bưởi dại, bưởi chua vì theo người chế biến, loại lá bưởi này sẽ rất thơm, cay nồng và đậm đà hơn bưởi lai.
Cùng lá bưởi là thịt lợn của người Mường nuôi, loại thịt ba chỉ có lẫn nạc và mỡ, hành củ, hạt sẻng, hạt dổi, rau thơm các loại và không quên chuẩn bị than hoa.
Lá bưởi hái về rửa sạch, để ráo nước, thịt lợn ba chỉ thái mỏng hoặc băm nhuyễn rồi trộn lẫn hành củ, hạt dổi, hạt sẻng và các loại rau thơm, nêm thêm chút nước mắm ngon và bột ngọt để chừng 10 phút cho thịt ngấm gia vị.
Cách chế biến chả cuốn lá bưởi không quá cầu kỳ, chỉ cần cho nhân thịt vào giữa lá bưởi rồi cuốn tròn theo chiều ngang, khi cuốn hết bề mặt lá, dùng một tăm nhọn xiên ngang miếng chả để giữ lá, tạo độ chặt cho miếng chả.
Chả cuốn xong, người chế biến kẹp vào phên nướng hoặc vào kẹp tre rồi nướng trên than hồng. Khi nướng phải lật đi lật lại nhiều lần để cho lá bưởi khỏi cháy. Khi lá bưởi đã chuyển màu xám thì chả chín, có thể mang ra thưởng thức.
Chả cuốn lá bưởi ăn khi nóng thì tuyệt ngon. Khi thưởng thức, dư vị chả đậm đà, lạ miệng. Cảm nhận đầu tiên là vị thơm nồng, cay cay của lá bưởi, vị thơm ngọt của thịt lợn hòa vào các gia vị khiến cho miếng chả vừa mềm vừa thơm ngon.
Đặc biệt, chả cuốn lá bưởi ngon nhất khi chấm với muối ớt cùng với hạt dổi nướng.
Theo người Mường ở Hòa Bình , chả cuốn lá bưởi không đơn thuần là món ăn mà còn là một vị thuốc tốt.
Chả cuốn lá bưởi sẽ tốt cho huyết áp, hô hấp và tiêu hóa. Vì thế, trong bữa ăn hằng ngày hoặc khi nhà có khách quý và ngày hội bản, đồng bào Mường thường chế biến món ăn này trong mâm cỗ nhà mình
Trên đây là phần giới thiệu về món chả cuốn lá bưởi đặc sản của người Mường Hòa Bình . Hi vọng đã có thêm thông tin về món ăn đặc biệt này.
Địa chỉ ăn món chả cuốn lá bưởi ở Hòa Bình:
- Khu du lịch bản Mường Giang Mỗ – Bình Thanh, Cao Phong, Hòa Bình
- Khu du lịch hồ Hòa Bình – Cảng, Thung Nai, Cao Phong, Hòa Bình
An Hòa Food tổng hợp và biên soạn.
Nếu bạn thấy hay và bổ ích thì giúp An Hòa Food chia sẻ cho mọi người yêu đặc sản quê hương mình được biết nhé 🙂
Tìm hiểu chung về tỉnh Hòa Bình >>